Quảng Ngãi: Chuyển đàn khỉ ở đảo Hòn Trà vào các khu rừng tự nhiên
18/11/2022 9:26:17 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đang tìm phương án khả thi nhất để di dời đàn khỉ ở đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) vào các khu rừng tự nhiên.
Cụ Nguyễn Thị Chất và đàn khỉ ở đảo Hòn Trà
Cụ Nguyễn Thị Chất và đàn khỉ ở đảo Hòn Trà

Ngày 17.11, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh này tổ chức di dời đàn khỉ ở đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn vào các khu rừng để chúng sinh sống theo môi trường tự nhiên.

 

Khỉ đang sinh sống ở đảo Hòn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi)

HẢI PHONG

Đàn khỉ này do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi phát hiện tại đảo Hòn Trà, gồm 8 con, trong đó có 1 con bị cụt chi trước phía bên trái. Đây là loài khỉ vàng (tên khoa học là Macaca Mulatta) thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2B). Hiện đàn khỉ này cư trú tách biệt trên đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5 ha và nằm cách biệt giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần.

Để việc di dời đàn khỉ tại đảo Hòn Trà trong thời gian đến được thuận lợi, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đề nghị UBND H.Bình Sơn phối hợp triển khai. Đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể và UBND xã Bình Đông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sống trên địa bàn đảo Hòn Trà, đặc biệt là cụ bà Nguyễn Thị Chất (79 tuổi, người thường xuyên cho khỉ ăn) hiểu rõ sự cần thiết phải di dời đàn khỉ vào các khu rừng tự nhiên. Và tạo được sự đồng thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư địa phương khi thực hiện di dời.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng khuyến cáo người dân sống xung quanh và bà Nguyễn Thị Chất hạn chế cho khỉ ăn, tránh nguy cơ khỉ mất bản năng tự kiếm ăn, phụ thuộc vào nguồn thức ăn do con người cung cấp, dẫn đến loài khỉ khó có thể tái nhập vào môi trường tự nhiên hoang dã.

Cụ Nguyễn Thị Chất thường xuyên mua thức ăn, chăm sóc đàn khỉ ở đảo Hòn Trà

Cụ Nguyễn Thị Chất thường xuyên mua thức ăn, chăm sóc đàn khỉ ở đảo Hòn Trà

Đàn khỉ tại đảo Hòn Trà được cụ bà Nguyễn Thị Chất cho ăn và chăm sóc hằng ngày.

Trước đó, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi lập các phương án bảo tồn đàn khỉ tại đảo Hòn Trà. Trong đó có dự án bảo vệ, bảo tồn đàn khỉ kết hợp phát triển điểm du lịch sinh thái đảo Hòn Trà; kêu gọi các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong nước, quốc tế chung tay tham gia vào công tác bảo tồn đàn khỉ.

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng diện tích tại đảo Hòn Trà quá chật hẹp, không bảo đảm phát triển ổn định lâu dài, chưa bảo đảm điều kiện sống ban đầu cho đàn khỉ, có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của đàn khỉ… Tỉnh Quảng Ngãi đã chọn nghiên cứu phương án di dời đàn khỉ đến khu rừng tự nhiên phù hợp với tập tính của loài vật này.

Phạm Anh, Hải Phong
https://thanhnien.vn/

Truyền thông - Giáo dục

Đọc nhiều nhất

  • Nghệ thuật trưng bày bảo tàng ở Việt Nam

    Định nghĩa năm 1995 của Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng (ICOM) được coi là mới nhất về bảo tàng “Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục, thưởng thức”. Về cơ bản định nghĩa này tương đồng với định nghĩa trong Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày sưu tập về lịch sử tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.

  • Những hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường do Quỹ Hỗ trợ Phát triển Huế và Design Capital Asia ( DCA) tài trợ

    Tháng 10 năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục cộng đồng tại 02 trường THPT Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động gồm hai phần, thứ nhất là tổ chức trưng bày, triển lãm “Bộ mẫu vật Khoáng sản - Địa chất tiêu biểu của Việt Nam và của tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ ảnh về tài nguyên thiên nhiên”.

  • Hoạt động trưng bày chào đón ngày 18/5 của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung

    Nằm trong chuỗi các sự kiện Chào mừng Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ngành KH&CN (03/5/1977-03/5/2022); Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) và Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5). Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (Bảo tàng) đã triển khai hoạt động “Trưng bày, triển lãm lưu động về tài nguyên thiên nhiên và giáo dục môi trường”

  • Công nghệ - ''thỏi nam châm'' hút khách đến bảo tàng

    Số hóa, hay ứng dụng công nghệ số trong hoạt động trưng bày bảo tàng, đang là xu hướng phổ biến của các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có bảo tàng - vốn bị coi là chậm đổi mới nhất. Thực tế cho thấy, công nghệ chính là “thỏi nam châm” hút khách đến với bảo tàng một cách hiệu quả.

  • Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên

    Cộng đồng dân cư được xem là một trong các nhóm đối tượng quản lý và bảo vệ hiệu quả nhất tài nguyên rừng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác tại địa phương của họ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân và cộng đồng cũng như hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng, chính là giải pháp hữu hiệu cho công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.