Thống kê thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh Thừa Thiên Huế
14/04/2015 4:43:10 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:

I. Đặt vấn đề

           Hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, con người có xu hướng “Trở về thiên nhiên”, nhu cầu về dược liệu, cũng như thuốc từ dược liệu tự nhiên (thuốc được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, thực vật hoặc khoáng chất) ngày càng tăng. Người ta nhận thấy rằng, các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược ít độc hại, ít gây tác dụng phụ và phù hợp hơn với quy luật sinh lý của cơ thể. Hơn nữa hiện còn nhiều bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc đặc trị và các nhà khoa học hy vọng rằng từ nguồn dược liệu tự nhiên hoặc từ vốn tri thức bản địa của các cộng đồng dân tộc, qua nghiên cứu có thể cung cấp cho nhân loại những hợp chất có hoạt tính sinh học cao để sản xuất các loại thuốc mới có hiệu quả chữa bệnh như mong muốn.

           Với đặc điểm khí hậu và địa hình - địa mạo đa dạng nên tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) sở hữu một tài nguyên sinh vật đa dạng, được đánh giá là thuộc loại cao của Việt Nam và khu vực ở cả 3 mức: đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Hệ thực vật của tỉnh được chia thành 4 vùng sinh thái: vùng rừng; gò đồi; đồng bằng duyên hải; gò, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ. Những nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm loài, nhiều hệ sinh thái và các vùng cảnh quan tiêu biểu (rừng đặc dụng của các khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia Bạch Mã, hành lang xanh, khu vực Bắc Hải Vân, vùng cát ven bờ....) đã phát hiện nhiều loài mới, các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm ở tỉnh TTH. Trong đó, có nhiều công trình khảo cứu về cây dược liệu như Nguyễn Nghĩa Thìn và Mai Văn Phô (chủ biên) (2003) đã thống kê được 810 loài, 141 họ thực vật có mạch được sử dụng làm thuốc ở Vườn Quốc gia Bạch Mã với 197 loài theo kinh nghiệm của người Cơ Tu, 35 loài của người Vân Kiều, 11 loài của người Mường; Đỗ Xuân Cẩm (1997), nghiên cứu về cây thuốc thân gỗ ở thành phố Huế có khả năng chữa các bệnh thông thường với 49 loài; Lê Thị Diên và Hồ Đăng Nguyên (2008) đã điều tra được 120 loài thuộc 67 họ được người dân xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc sử dụng làm thuốc... Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về cây thuốc nào mang tính chất tổng quát cho toàn tỉnh TTH nên việc thống kê, đánh giá thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu là rất cần thiết để phục vụ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, định hướng phát triển kinh tế xã hội và góp phần vào việc thực hiện Quyết định 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/4/2006 về “Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

       1. Đối tượng nghiên cứu

       Thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu trên địa bàn tỉnh TTH.

       2. Phương pháp nghiên cứu

       Phương pháp kế thừa: Từ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về hệ thực vật của tỉnh TTH, các tạp chí, sách chuyên khảo... đã được công bố.

       Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về danh pháp khoa học, bậc taxon của các loài.

       Phương pháp thống kê: Danh lục thực vật và số liệu được xử lý bằng các công cụ tin học.

       3. Phương pháp tiến hành

       Từ những tài liệu về thực vật đã được công bố trên địa bàn tỉnh TTH, chúng tôi tiến hành thành lập danh lục thực vật trên cơ sở những loài trùng tên thì ghi không lặp lại, những loài có nhiều tên khoa học thì chỉ lấy một tên khoa học thường sử dụng.

       Danh lục thực vật được sắp xếp theo hệ thống phân loại của A. Takhtajan (1997). Riêng tên chi, họ được điều chỉnh theo Brummitt (1992); tên loài được tra lại theo Danh lục các loài thực vật Việt Nam (3 tập), Thực vật chí Việt Nam và cơ sở dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu thực vật Việt Nam.

       Đối với các ngành, các lớp, các họ thực vật, tiến hành sắp xếp theo mức độ tiến hóa từ thấp lên cao. Các loài trong một họ được sắp xếp theo ABC. Cuối cùng, chúng tôi tiến hành đánh giá về giá trị dược liệu của từng loài dựa trên các tài liệu đã công bố về giá trị của chúng.

III. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

       1. Cấu trúc thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh TTH

      Đã thống kê được 1.126 loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu thuộc 177 họ, 4 ngành. (*) Trong đó, ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) đa dạng nhất với 1.114 loài, 168 họ; ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 9 loài, 6 họ; tiếp đến là ngành Thông (Pinophyta) với 2 loài, 2 họ và ngành Thông đất (Lycopodiophyta) kém đa dạng nhất với 1 loài, 1 họ (bảng 1).

Bảng 1. Thống kê các bậc taxon thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh TTH

   TT 

Tên khoa học

Tên phổ thông

   Số họ

   Tỷ lệ 
    (%)

     Số loài 

   Tỷ lệ  
    (%)

1

Lycopodiophyta

Ngành Thông đất

1

0,56

1

0,09

2

Polypodiophyta

Ngành Dương xỉ

6

3,39

9

0,80

3

Pinophyta

Ngành Thông

2

1,13

2

0,18

4

Magnoliophyta

Ngành Mộc lan

168

94,92

1.114

98,93

                                  Tổng

177

100

1.126

100

 

   Các họ đa dạng: Trong 177 họ đã thống kê được, 11 họ có nhiều loài có giá trị dược liệu, kết quả ở bảng 2.

Bảng 2. Các họ có nhiều loài có giá trị dược liệu nhất của thực vật bậc cao ở tỉnh TTH

  TT  

      Tên khoa học      

      Tên phổ thông      

      Số loài      

      Tỷ lệ (%)      

1

Euphorbiaceae

Họ Thầu dầu

61

5,42

2

Rubiaceae

Họ Cà phê

56

4,97

3

Asteraceae

Họ Cúc

52

4,62

4

Orchidaceae

Họ Lan

40

3,55

5

Fabaceae

Họ Đậu

39

3,46

6

Moraceae

Họ Dâu tằm

35

3,11

7

Verbenaceae

Họ Cỏ roi ngựa

28

2,49

8

Apocynaceae

Họ Trúc đào

26

2,31

9

Rutaceae

Họ Cam

24

2,13

10

Lauraceae

Họ Long não

20

1,78

11

Caesalpiniaceae

Họ Vang

20

1,78

        2. Đa dạng về giá trị sử dụng của các loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh TTH

        Theo kết quả thống kê được, chúng tôi chia thành 20 nhóm (tham khảo cách sắp xếp của Đỗ Tất Lợi, 2006) có giá trị sử dụng  gồm 17 nhóm chữa bệnh khác nhau; 01 nhóm làm thuốc bổ dưỡng; 01 nhóm làm thuốc ngủ, an thần, thần kinh và 01 nhóm cây chữa bệnh có độc (bảng 3).

Bảng 3. Các nhóm chữa bệnh của thực vật bậc cao ở tỉnh TTH

 TT 

Nhóm chữa bệnh

Số lượng loài (*)

1

Bệnh phụ nữ

261

2

Bệnh ngoài da

508

3

Trị giun, sán

81

4

Bệnh lỵ

178

5

Bệnh về gan, thận, mật, đường tiết niệu

426

6

Bệnh huyết áp

46

7

Cầm máu

86

8

Bệnh về đường tiêu hoá

462

9

Nhuận tràng, tẩy

40

10

Bệnh dạ dày

124

11

Bệnh tê thấp, đau nhức, xương khớp

423

12

Bị động vật cắn

152

13

Bệnh về mắt, tai, mũi, họng, răng

297

14

Bệnh đau đầu, cảm, sốt

365

15

Bệnh về đường hô hấp

285

16

Bệnh tim mạch

57

17

Bệnh lây qua đường sinh dục

33

18

Thuốc bổ dưỡng

190

19

Thuốc ngủ, an thần, thần kinh

129

20

Nhóm cây chữa bệnh có độc

3

       * Ghi chú: Một loài có thể chữa nhiều bệnh khác nhau

        3. Đa dạng bộ phận sử dụng làm thuốc của thực vật bậc cao ở tỉnh TTH

       Việc sử dụng các bộ phận của các loài thực vật bậc cao làm thuốc rất đa dạng, trong đó sử dụng lá 450 loài, sử dụng rễ 405 loài, sử dụng cả cây 326 loài, sử dụng vỏ 198 loài, sử dụng thân 154 loài, sử dụng quả 137 loài, sử dụng hạt 110 loài, sử dụng hoa 81 loài, sử dụng nhựa/mủ/dịch 52 loài, sử dụng củ 39 loài và sử dụng tinh dầu 28 loài.

IV. Kết luận

        Thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh TTH khá phong phú và đa dạng với 1.126 loài, 177 họ thuộc 4 ngành thực vật. Trong đó, 11 họ có số loài nhiều nhất từ 20 - 61 loài.

        Giá trị sử dụng làm thuốc của các loài thực vật bậc cao ở tỉnh TTH gồm 17 nhóm chữa bệnh khác nhau, 01 nhóm làm thuốc bổ dưỡng, 01 nhóm làm thuốc ngủ, an thần, thần kinh và 01 nhóm cây chữa bệnh có độc. Trong đó, hầu hết trong một loài có nhiều tác dụng khác nhau.

        Bộ phận sử dụng của các loài thực vật bậc cao ở tỉnh TTH khá đa dạng với 11 bộ phận được dùng để điều trị bệnh. Trong đó, có nhiều loài sử dụng các bộ phận khác nhau để chữa trị bệnh khác nhau.

        Có 03 loài chữa bệnh có chứa chất độc được khuyến cáo như sau:

        1. Loài Passiflora quadrangularis L. - Dưa gang tây: Lá có chứa axit cyanhydric nên có tính độc nhẹ.

        2. Loài Eupatorium chinense L. - Tổ ma: Không dùng cho phụ nữ có thai.

        3. Hemerocallis fulva L. - Hoa hiên:  Rễ dùng trị huyết hấp trùng (sán máu), nhưng liều cao có thể gây mờ mắt.

V. Kiến nghị

       Việc nghiên cứu điều tra, thống kê thành phần loài thực vật bậc cao ở tỉnh TTH có giá trị dược liệu là việc làm rất cần thiết và lâu dài nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc cổ truyền của dân tộc. Trên cơ sở này, chúng tôi có những kiến nghị cụ thể sau:

      - Cần có một nghiên cứu điều tra tổng thể trên phạm vi toàn tỉnh nhằm thu thập, tổng hợp các kinh nghiệm, các bài thuốc đã được các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sử dụng. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này.

      - Cần có các hoạt động, tuyên truyền, giáo dục và bảo tồn về tài nguyên cây thuốc, cũng như tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật gieo trồng làm cơ sở cho việc bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc cho tỉnh TTH.

      - Cần có những nghiên cứu, điều tra thành phần loài thực vật bậc cao ở tỉnh TTH có giá trị dược liệu góp phần vào việc xây dựng bộ mẫu vật về tài nguyên cây thuốc cho Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung.

      Danh lục thành phần loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh Thừa Thiên Huế (tập tin đính kèm)

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Phụ lục các loài thực vật bậc cao có giá trị dược liệu ở tỉnh Thừa Thiên Huế ()
Lê Nguyễn Thới Trung, Nguyễn Thị Khánh Quỳnh, Hồ Thị Cẩm Giang
     

Nghiên cứu khoa học

Đọc nhiều nhất