Hội nghị giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án “Khai quật, xử lý và chế tác hai bộ mẫu xương động vật (bò tót và voi) phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung”
01/02/2021 2:44:37 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Sáng ngày 31/01/2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tiến hành Hội nghị giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án KH&CN “Khai quật, xử lý và chế tác hai bộ mẫu xương động vật (bò tót và voi) phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung”. Dự án do Bà Lê Thị Tố Nga làm chủ nhiệm, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung chủ trì thực hiện. Tham dự Hội nghị có TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng KH&CN chủ trì Hội nghị.

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (Bảo tàng TNDHMT) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập nhằm mục tiêu trở thành một phòng thí nghiệm lớn về thiên nhiên, là nơi lưu trữ, bảo tồn và trưng bày các mẫu vật về tài nguyên thiên nhiên (sinh học và địa chất) của các tỉnh duyên hải miền Trung; là địa chỉ cho học sinh, sinh viên, các nhà khoa học đến học tập, nghiên cứu khoa học và là điểm tham quan của du khách khi đến Huế.

Những năm qua, bên cạnh việc tiếp nhận (thụ hưởng) các bộ mẫu vật từ kết quả của các đề tài khoa học (bộ mẫu bướm, bộ mẫu địa chất - khoáng sản) và từ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Bảo tàng đã chủ động triển khai thu mẫu bằng hình thức kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ và trao tặng mẫu từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức liên quan.

Hiện nay, một số Bảo tàng thiên nhiên trong nước và Bảo tàng lịch sử tự nhiên trên thế giới thu thập và trưng bày những bộ mẫu xương có giá trị về lịch sử, khoa học, kỹ thuật chế tác vừa mang tính thẩm mỹ đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan.

Xuất phát từ thực tế, vào năm 2007, một con voi tên YTRANG, 30 tuổi (voi phục vụ Lễ hội Festival Huế) sau một thời gian lâm bệnh nặng đã chết và được chôn cất trong khu vực Lăng Cao Hoàng, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý. Tiếp đến, vào năm 2012, một con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài, được xác định là cá thể bò tót (Bos gaurus) đực đã trưởng thành. Sau thời gian 02 ngày giải cứu, mặc dù các chuyên gia đã làm hết các phương án tốt nhất vẫn không cứu được con thú này. Xác của con bò tót được chôn tại Thừa Thiên Huế (do Chi cục Kiểm lâm thực hiện và quản lý). Đây là 02 bộ mẫu xương quý hiếm nếu được khai quật, xử lý và chế tác, sẽ tăng tính đa dạng thành phần loài cho bộ mẫu động vật, thúc đẩy hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch tại Bảo tàng.

Bà Lê Thị Tố Nga – Chủ nhiệm dự án báo cáo tại hội đồng

Tại Hội nghị, bà Lê Thị Tố Nga, Giám đốc Bảo tàng trình bày báo cáo tóm tắt thuyết minh dự án. Dự án được thực hiện với mục tiêu Khai quật, xử lý được bộ mẫu xương bò tót và xương voi; Chế tác thành công bộ mẫu xương bò tót và xương voi phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và tham quan; Nắm được phương pháp khai quật, xử lý, chế tác và bảo quản mẫu xương bò tót và voi áp dụng tại Bảo tàng TNDHMT; Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng thiên nhiên; Tăng cường sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và các Bảo tàng thành viên trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Theo báo cáo được trình bày trước Hội đồng, để giải quyết những vấn đề đặt ra, Chủ nhiệm dự án cũng đã nêu lên những nội dung và các bước công việc cụ thể mà dự án cần triển khai thực hiện: (1) Tiến hành công tác chuẩn bị, hợp tác với các đơn vị, chuyên gia tham gia dự án, tập huấn nghiệp vụ khai quật, xử lý và bảo quản mẫu xương;(2) Khai quật và xử lý mẫu xương; (3) Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật xử lý, bảo quản mẫu xương trong phòng thí nghiệm cho Bảo tàng TNDHMT; (4) Chế tác, dựng mô hình mẫu xương tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam (Hà Nội); (5) Lắp ráp, hoàn thiện hai bộ mẫu xương tại Bảo tàng TNHMT (Huế); (6) Chuyển giao kỹ thuật bảo quản bộ mẫu xương giai đoạn sau khi hoàn thiện, bàn giao sản phẩm để phục vụ công tác trưng bày về sau tại Bảo tàng TNDHMT; (7) Tổng kết nhiệm vụ. Đồng thời, những vấn đề trọng tâm mà dự án cần giải quyết cũng được nêu rõ như xây dựng mô hình, phương án xử lý mẫu xương phù hợp với hai loài bò tót và voi; ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ cao; hoàn thiện quy trình bằng phương pháp bảo quản mẫu xương sau khi kết thúc dự án.

Kết quả nghiên cứu và khai quật này không chỉ tăng thêm sự đa dạng hóa, phong phú các hiện vật có giá trị về lịch sử, khoa học tại Bảo tàng, mà còn nâng cao hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội: Nâng cao nhận thức, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Bảo tàng; Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, học sinh, sinh viên; Góp phần thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Bên cạnh đó, việc đa dạng, nâng cao độ hấp dẫn của các bộ mẫu vật cũng góp phần đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch; Tạo thêm điểm đến, tăng thời gian khách lưu trú tại Huế; góp phần tăng thu nhập chung, mang lại nguồn lợi về kinh tế cho các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

Sau phần trình bày báo cáo các nội dung, phía ban chủ trì dự án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá về các vấn đề còn tồn đọng trong nội dung báo cáo từ các thành viên của Hội đồng KH&CN. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã yêu cầu Ban chủ nhiệm dự án bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp.

TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận của TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án làm rõ những vấn đề liên quan đến tính khả thi và đưa ra một số phương án có khả năng xảy ra để xử lý trong dự án; Hợp tác với các đối tác, chuyên gia để tìm ra phương án tốt nhất cho dự án; Giám đốc Sở KH&CN cũng nhấn mạnh về việc phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo các thành viên tham gia dự án, tập trung vào khai quật, chế tác và ra sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, song hành với hoạt động đào tạo, tiếp thu hơn nữa lịch sử, nguồn gốc của 2 mẫu vật này để sau này có tư liệu lưu trữ lại.

Dự án được hội đồng đánh giá rất có tính thiết thực, đi vào thực tiễn với số điểm trung bình là 85,87 điểm. Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án tiếp thu toàn diện tất cả ý kiến phản biện của các thành viên hội đồng về những vấn đề liên quan đến để bổ sung thêm, hoàn chỉnh lại thuyết minh cho phù hợp và thực hiện dự án trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Nhật Trinh
https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/

Nghiên cứu khoa học

Đọc nhiều nhất