CHÀO ĐÓN 2 BỘ MẪU XƯƠNG VOI VÀ BÒ TÓT CHÍNH THỨC ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
31/07/2023 3:51:25 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Tháng 6/2023, Bảo tàng chính thức hoàn thiện việc chế tác, lắp ráp và trưng bày 2 bộ mẫu xương Voi và Bò tót tại tầng 3 của Bảo tàng. Đây là sản phẩm thuộc dự án Khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Khai quật, xử lý, chế tác 02 bộ mẫu xương động vật (voi, bò tót) phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung” do Bảo tàng chủ trì thực hiện.

Những năm qua, Bảo tàng không ngừng đẩy mạnh công tác thu thập mẫu vật nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động trưng bày tại Bảo tàng bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây là 2 bộ mẫu xương vô cùng quý hiếm, có giá trị về khoa học rất lớn đối với Bảo tàng.

Bộ xương voi đang được trưng bày thuộc loài voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus, 1758) mang tên Y Trang. Năm 2004, voi Y Trang được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô đưa về từ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk để tham gia Lễ hội Festival Huế và giới thiệu giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Loài voi này thuộc nhóm IB trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm và việc mua bán voi vì mục đích thương mại là không được phép. Tuy nhiên, theo công văn đề nghị của UBND tỉnh TTH (số 14/VH-UB, ngày 05/01/2004), việc mua voi được chấp nhận để phục vụ khách tham quan du lịch, không vì mục đích thương mại và chỉ trong phạm vi trong nước. Sau 3 năm nuôi dưỡng tại Huế, Y Trang đã qua đời vào năm 2007 do ăn phải dị vật. Với tuổi thọ 30, cá thể voi đã được chôn cất bên cạnh lăng Cơ Thánh.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở cùng ông Phan Mãn - Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến thăm quan Bảo tàng

Ngoài voi Y Trang, Bảo tàng cũng có cơ hội trưng bày một cá thể bò tót có tiểu sử nổi tiếng không kém. Đó là cá thể bò tót Đông Dương (Bos gaurus Smith, 1827) được tìm thấy sau khi đi lạc vào sân bay quốc tế Phú Bài vào năm 2012. Sau hơn 24 tiếng vây bắt, bò tót đã được khống chế thành công nhưng lại qua đời không lâu sau đó. Các cơ quan chức năng đã khám nghiệm và phát hiện tổn thương nặng nề trên cơ quan nội tạng của bò tót. Lý giải từ chuyên gia cho rằng đây là loài hoang dã, và sau khi lạc đàn, cá thể này đã trải qua một môi trường sống không đồng nhất, thiếu thức ăn và nước uống, cùng với những tác động từ tiếng ồn của động cơ máy bay và sự hiếu kỳ của người dân xung quanh. Tất cả các yếu tố này đã khiến con vật trở nên căng thẳng và suy kiệt. Sau khi khám nghiệm, cá thể này đã được tiêu hủy tại chỗ, một phần da đầu của nó được xử lý, chế tác thành tiêu bản trưng bày bởi ThS. Võ Đình Ba, giảng viên trường Đại học Khoa học Huế và hiện được trưng bày tại Bảo tàng.

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN cùng bà Lê Thị Tố Nga - Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung bên cạnh mẫu vật Bò tót

Hai mẫu xương trên được Bảo tàng khai quật vào năm 2021. Sau quá trình khoanh vùng và khai quật, các chuyên gia của Bảo tàng đã tìm được gần như toàn bộ phần xương của hai cá thể này và tiến hành xử lý, chế tác, những phần xương còn thiếu hoặc bị tổn thương sẽ được phục dựng bằng hỗn hợp composit. Đến năm 2023, cả hai bộ mẫu xương của voi và bò tót đã được hoàn thiện và trưng bày tại Bảo tàng, tạo ra một bước phát triển quan trọng trong công tác trưng bày và giới thiệu mẫu vật, đồng thời làm đa dạng hóa thành phần các bộ mẫu động vật tại Bảo tàng góp phần thu hút khách tham quan và trải nghiệm.

Các chuyên viên Bảo tàng cùng chuyên gia thực hiện công đoạn lắp ráp bộ xương Bò tót

Khung chống đỡ cho bộ xương Voi và Bò tót

Bảo tàng hiện đang trưng bày và mở cửa đón tiếp tất cả mọi người đến tham quan và chiêm ngưỡng các mẫu vật tại Bảo tàng./.

Phương Thanh
Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung
Các bài khác
     

Sinh học

Xem nhiều nhất