BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG CHIA SẺ TIÊU BẢN SAO LA PHỤC VỤ CHO SỰ KIỆN DO CHI CỤC KIỂM LÂM THỪA THIÊN HUẾ PHỐI HỢP VỚI WWF – VIỆT NAM TỔ CHỨC TRIỂN LÃM ĐỂ HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ SAO LA 9/7.
09/07/2022 10:05:50 SA
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Nhân ngày Quốc tế Sao la 9/7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế phối hợp với WWF - Việt Nam tổ chức triển lãm “Giữ lại dấu chân Sao la trên dãy Trường Sơn” trong khuôn khổ thực hiện Dự án CarBi 2.

 Để hưởng ứng cho sự kiện này, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (Bảo tàng) đã chia sẻ tiêu bản Sao la phục vụ cho cuộc trưng bày trong 02 ngày từ 9-10/7/2022 tại Nhà Thiếu nhi Huế - 08 Lê Lợi, thành phố Huế. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ Sao la - linh hồn của dãy Trường Sơn khỏi sự tuyệt chủng, cũng như nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học . Được biết, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 02 tiêu bản Sao la đó là tiêu bản Sao la của Bảo tàng và 01 tiêu bản ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Hà Nội.

Ông Lê Thanh Hướng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La - A Lưới cho biết cuộc triển lãm sẽ tái hiện lại quá khứ - hiện tại và tương lai của loài Sao la theo dòng sự kiện lần đầu tiên phát hiện ra loài Sao la, thực trạng hiện nay là các mối đe dọa tuyệt chủng từ nạn săn bắt trái phép với các bẫy thú rừng thu thập được trong các cuộc săn bắt, sinh cảnh sống bị mất và chia cắt…và tương lai với hình ảnh Sao la mẹ dẫn Sao la con đi ăn và sự chung tay từ cộng đồng bảo vệ loài Sao la.

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis Dung et al.,1993) là loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 05/1992 trong chuyến khảo cổ do Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) thực hiện ở Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây là một trong những phát hiện về động vật quan trọng nhất thế kỷ 20, mang ý nghĩa lịch sử đối với ngành khoa học vì trong suốt 100 năm trước đó chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện

Chúng được xem như là một trong những loài chỉ thị của cánh rừng nguyên sinh, chưa bị con người tác động. Do là loài đặc hữu, chỉ sinh sống trên dãy Trường Sơn miền Trung Việt Nam và phía Nam nước Lào, Sao la có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và trong Sách đỏ của Việt Nam (SĐVN). Bảo tồn Sao la đang là vần đề cấp thiết ở Việt Nam và được sự quan tâm lớn của các tổ chức bảo tồn trên thế giới. Tuy nhiên, những hiểu biết về tình trạng quần thể và đặc biệt là các đặc điểm sinh học, sinh thái của Sao la còn rất hạn chế nên việc xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo tồn hiện gặp.

Tại Thừa Thiên Huế, Sao La được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 là một cá thể đực đi lạc, đã được người dân thôn Hộ, Dương Hòa, Hương Thủy phát hiện. Tuy nhiên cá thể này sau đó đã bị chết và đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm mẫu nhồi bông và trao tặng lại cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung. Sau nhiều năm không ghi nhận thêm thông tin mới, giới nghiên cứu bảo tồn tưởng chừng Sao la đã tuyệt chủng ở Việt Nam thì vào năm 2013 chúng lại xuất hiện. Tấm ảnh đen trắng từ máy ảnh cảm biến được WWF và Khu bảo tồn loài Sao la ở Quảng Nam đã ghi lại hình ảnh một cá thể Sao la đang đi ăn. Một hy vọng mới về việc bảo tồn loài động vật đặc hữu quý hiếm này lại được thắp lên, song song với việc hồi sinh những cánh rừng Trung Trường Sơn ở Việt Nam và Lào. Nhiều tạp chí, tờ báo nổi tiếng thế giới đã cử người đưa tin sự trở lại của loài. Có nhiều phóng viên quốc tế đến Quảng Nam và ăn ở trong rừng để làm phim. Việc tìm hiểu cuộc sống của Sao la được người ta ví như một trò chơi cút bắt mà ở đó Sao la đang “lang thang” trên những cánh rừng già của dãy Trường Sơn, còn con người cứ mãi lần theo, rồi mừng vui dù chỉ gặp... dấu chân của nó. Bởi sự bí ẩn đó mà loài động vật này được giới nghiên cứu gọi tên khá ly kỳ - “kỳ lân châu Á”.

Tin tức

Đọc nhiều nhất