Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung sẽ là nơi sưu tầm, trưng bày và giới thiệu đến người dân, du khách một cách chân thực, chuyên sâu nhất về hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới tiêu biểu của Việt Nam phân bố dọc theo dãy Trường Sơn- một trong 200 vùng sinh cảnh toàn cầu theo phân hạng quốc tế (đã được Quỹ bảo vệ đời sống hoang dã (WWF) đánh giá) và hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai rộng 22 ngàn ha- hệ đầm phá tiêu biểu nhất trong 12 đầm phá nhiệt đới ven bờ của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng khoa học tự nhiên hay bảo tàng thiên nhiên là một loại hình bảo tàng phổ biến trên thế giới. Các bảo tàng này đã được xây dựng ở các nước phát triển từ rất sớm, khoảng giữa thế kỷ 18, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học và du lịch ở trong nước và quốc tế. Hoạt động của các bảo tàng thiên nhiên có tác dụng to lớn trong việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền, giáo dục và nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, đặc biệt là việc lưu giữ, bảo quản những sưu tập tư liệu, mẫu vật về thiên nhiên như những tài sản vô giá của quốc gia và của nhân loại.

Ở nước ta, một số cơ sở về bảo tàng thiên nhiên đã có từ thời thuộc Pháp trước Cách mạng Tháng Tám. Hoạt động chủ yếu của các bảo tàng này là sưu tầm và lưu giữ các bộ sưu tập động, thực vật, khoáng vật, để phục vụ yêu cầu nghiên cứu khoa học ở Đại học Khoa học Hà Nội, khu Đấu xảo Hà Nội (Bảo tàng Maurice Long), Sở thú Sài Gòn (Bảo tàng Blanchard de la Bizosse), Viện Hải dương học Nha trang, Sở Địa chất Đông Dương. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ năm 1954 đến nay, cùng với sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên ở nước ta, các bộ sưu tập mẫu vật nói trên tiếp tục được lưu giữ, bổ sung. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trước hết là do tổ chức phân tán và kinh phí hạn chế, nên đến nay những cơ sở bảo tàng này mới chỉ là nơi lưu giữ các sưu tập mẫu vật phục vụ nghiên cứu, giảng dạy ở cấp cơ sở mà chưa có những hoạt động mang tính chất bảo tàng thực sự.

Với những lý do trên, theo đề nghị của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương thành lập Hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/04/2006 của Thủ tướng chính phủ về “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”, gồm: bảo tàng thiên nhiên cấp quốc gia, các bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực và các bảo tàng chuyên ngành. Trong đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đặt tại Hà Nội là bảo tàng cấp quốc gia, bốn bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực (Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Tây Bắc đặt tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung đặt tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Tây Nguyên đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Nam Bộ đặt tại thành phố Hồ Chí Minh).

Như vậy, việc thành lập và xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết vì các lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và khoa học và công nghệ của đất nước, việc thành lập và xây dựng một hoặc một số bảo tàng thiên nhiên là phù hợp với xu thế của thế giới. Chúng ta theo đuổi chính sách hội nhập quốc tế một cách toàn diện, tất phải hội nhập trong việc thành lập và xây dựng các cơ sở thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học về thế giới tự nhiên, sưu tầm, bảo quản và tổ chức trưng bày các mẫu vật, các bộ sưu tập, phổ biến, giới thiệu các đặc trưng và giá trị nhiều mặt của thiên nhiên Việt Nam.

Thứ hai, việc thành lập và đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế chính là thực hiện quyết định của Thủ tướng chính phủ về xây dựng hệ thống bảo tàng thiên nhiên của quốc gia. Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20/04/2006 của Thủ tướng chính phủ về “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”. 

Thứ ba, Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế là một bộ phận cấu thành của hệ thống thống nhất và đa dạng các bảo tàng thiên nhiên của Việt Nam. Đất nước Việt Nam kéo dài từ Bắc chí Nam đến hơn 2.000 km có đủ các kiểu địa hình núi rừng, trung du, đồng bằng châu thổ, đất ngập nước ven biển và biển, đảo, với nhiều cảnh quan thiên thiên kỳ thú, nhiều hệ sinh thái đặc thù, trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới như quần thể đảo đá vôi ở vịnh Hạ Long, hệ thống hang động ở Phong Nha … Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 khu vực có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều loài đặc hữu hoặc mới được phát hiện gần đây trong tự nhiên được phân bố ở các vùng miền khác nhau. Thiên nhiên và sinh thái khu vực duyên hải miền Trung được đánh giá là hết sức đặc trưng và tiêu biểu cho một vùng đất nhiệt đới ven biển của Việt Nam và thế giới.

Thứ tư, việc thành lập và xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Khu vực Duyên hải miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020 đã được Bộ Chính trị kết luận: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” .

Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung sẽ là nơi sưu tầm, trưng bày và giới thiệu đến người dân, du khách một cách chân thực, chuyên sâu nhất về hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới tiêu biểu của Việt Nam phân bố dọc theo dãy Trường Sơn- một trong 200 vùng sinh cảnh toàn cầu theo phân hạng quốc tế (đã được Quỹ bảo vệ đời sống hoang dã (WWF) đánh giá) và hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai rộng 22 ngàn ha- hệ đầm phá tiêu biểu nhất trong 12 đầm phá nhiệt đới ven bờ của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Một điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách nội địa và quốc tế, một sản phẩm du lịch làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch văn hoá và lịch sử của Việt Nam.


     

Giới thiệu